Giỏ hàng

Nâng cao cơ hội sống cho người bệnh bằng “Ứng dụng phương pháp tiêu sợi huyết trong điều trị lâm sàng”

Sáng Ngày 16/01/2020, tại khách sạn Melia Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (BVĐHYHN) đã tổ chức thành công buổi hội thảo chuyên đề “Ứng dụng phương pháp tiêu sợi huyết trong điều trị lâm sàng”. Đây là một trong những hoạt động thường niên được tổ chức nhằm cập nhật kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm về việc điều trị những bệnh được coi là nguy hiểm, có nguy cơ gia tăng trong nhiều năm trở lại đây.

Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu (GĐ BVĐHYHN), PGS.TS. Hoàng Bùi Hải (Trưởng khoa Cấp cứu & Hội sức tích cực), ThS.BS. Nguyễn Ngọc Cương (Khoa chẩn đoán hình ảnh), cùng đông đảo các đại biểu y bác sĩ đến từ các bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi phía bắc, bệnh viện vệ tinh của BVĐHYHN.

Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo các đại biểu y bác sĩ đến từ các bệnh viện đa khoa tỉnh miền núi phía bắc, bệnh viện vệ tinh của BVĐHYHN

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã cập nhật kiến thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm về “Ứng dụng phương pháp tiêu sợi huyết” thông qua 3 nội dung chính, bao gồm: Điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong giai đoạn sớm nhồi máu cơ tim; Xử trí cấp cứu thuyên tắc mạch phổi; Xử trí cấp cứu đột quỵ não.

Mở đầu chương trình, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BVĐHYHN (chuyên gia Tim mạch) đã cùng khách mời làm rõ nội dung “Điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong giai đoạn sớm nhồi máu cơ tim”. Bài trình bày của ông tập trung vào 4 vấn đề chính: 1 - Những nguyên lý chung của tắc mạch. 2 -Tại sao có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị. 3 - Chỉ định khi nào sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. 4 - Theo dõi diễn biến tiếp theo sau khi bệnh nhân điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Ông nhấn mạnh về vai trò/tầm quan trọng của thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp giai đoạn sớm (trong vòng 3 giờ từ khi khởi phát triệu chứng). Để giảm thiểu tối đa những hậu quả/rủi ro khó lường, người bệnh cần được chẩn đoán càng sớm càng tốt, đánh giá đầy đủ, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn sang biểu hiện của những bệnh lý khác. Đối với nhồi máu cơ tim, không phải tất cả các trường hợp đều có dấu hiệu cảnh báo giống nhau, nhưng những triệu chứng điển hình sau đây cần được hết sức lưu tâm: mệt mỏi, đau thắt ngực, vã mồ hôi lạnh, buồn nôn, ói mửa.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BVĐHYHN trình bày nội dung “Điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong giai đoạn sớm nhồi máu cơ tim” tại hội thảo

Tại hội thảo, ngoài việc cập nhật kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn về vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ thêm: “Hiện nay, Trung tâm Cấp cứu, Trung tâm Tim mạch và Trung tâm can thiệp Điện quang BVĐHYHN là những đơn vị thường xuyên sử dụng tiêu xương huyết trong điều trị bệnh lý cho rất nhiều tỉnh phía Bắc. Bằng những kết quả thực tế đã đạt được chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đến với các Quý bệnh viện trong khuc vực, thực hiện tốt hơn nữa phương pháp kết nối online, tạo các nhóm làm việc trực tuyến giúp hỗ trợ hội chẩn kịp thời, chỉ định đúng đắn nhất để gia tăng khả năng và cơ hội cứu sống, không để lại di chứng lâu dài cho người bệnh ngay tại địa phương, khi điều kiện trang thiết bị còn nhiều khó khăn mà không thể chuyển tuyến”.

Tiếp nối chương trình hội thảo, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, đã có phần trình bày về vấn đề “Xử trí cấp cứu tắc động mạch phổi cấp”. Ông đưa ra những chú ý quan trọng khi tiếp nhận và xử trí, cụ thể là: biểu hiện của bệnh khá đa dạng không đặc hiệu, như khó thở, thở khò khè, đau ngực, ho, sưng đau chi dưới,…Vậy nên, nhân viên Y tế tại các bệnh viện cần phải “ngay lập tức nghĩ đến” việc phân loại, chẩn đoán kịp thời để tránh nguy cơ tử vong cho người bệnh (do bệnh tiến triển rất nhanh). Để làm tốt được điều này thì các y bác sĩ cần được đào tạo tập huấn thường xuyên nhằm nâng cao sự nhạy cảm trong chẩn đoán, sẵn sàng ứng biến kịp thời cho các tình huống.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực trình bày nội dung “Xử trí cấp cứu tắc động mạch phổi cấp” tại hội thảo

Thực tế cũng đã chứng minh là 90% người bệnh được chỉ định tiêu sợi huyết trong 36 giờ đầu đã cải thiện tốt trên lâm sàng, hữu ích sau khi biểu hiện triệu chứng đầu tiên từ 6 - 14 ngày. Do vậy, ông Hoàng Bùi Hải cũng đề xuất tại các bệnh viện tuyến cơ sở nên thành lập nhóm đa chuyên khoa để xử trí những ca tắc động mạch phổi nặng và khó.

Đối với nội dung thứ 3 của hội thảo “Xử trí cấp cứu đột quỵ não”, ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương - khoa Chẩn đoán hình ảnh, chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân chưa được tiếp cận với các phương pháp điều trị trong thời gian vàng (trước 6 tiếng) là khá cao, gây nên những hậu quả đáng tiếc bởi di chứng, biến chứng để lại. Nhiều nghiên cứu Y khoa đã chỉ ra, nếu bệnh nhân đột quỵ được đưa đến cơ sở Y tế trước 3 tiếng và dùng thuốc tiêu sợi huyết (trong trường hợp không có chống chỉ định) thì hiệu quả đạt được là rất cao so với không được dùng hoặc bị chậm trễ.

Ông cho biết thêm, hiện nay “đột quỵ não” đang trở thành một căn bệnh phổ và có xu hướng tăng dần ở các nước đang phát triển. Chính vì thế, công tác tiếp nhận và cấp cứu kịp thời là yếu tố mang tính quyết định đến kết quả điều trị và phục hồi chức năng sau này của bệnh nhân, giảm những biến chứng nặng nề có thể sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để giảm thiểu những tác động xấu do “đột quỵ não” gây ra, chúng ta cần tích cực công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về giáo dục sức khỏe. Song song với đó là đẩy mạnh công tác đào tạo thường xuyên theo hướng cầm tay chỉ việc cho các cơ sở y tế tuyến dưới.

ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương - khoa Chẩn đoán hình ảnh trình bày nội dung “Xử trí cấp cứu đột quỵ não” tại hội thảo

Các chuyên gia giải đáp trực tiếp các câu hỏi của khách mời tại hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo, đồng hành cùng BVĐHYHN, với vai trò là nhà tài trợ, Công ty thiết bị Y tế Vietmedical đã mang đến những giải pháp Y tế tổng thể để các y bác sĩ khách mời có điều kiện tham quan và tìm hiểu ngay tại hội thảo.

 

Khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm và giải pháp của Vietmedical tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tham quan khu vực trưng bày và đánh giá cao sự chuyên nghiệp của Vietmedical trong công tác đồng hành cùng chương trình

Khu vực trưng bày của Vietmedical thu hút đông đảo khách mời, y bác sĩ đến tham quan và tìm hiểu

Cuối hội thảo, hoạt động tặng sách (gồm ba tựa sách chuyên ngành: Lâm sàng tim mạch học, Tác động mạch phổi cấp – Chẩn đoán và điều trị, Thông khí nhân tạo) cho toàn thể khách mời do Vietmedical kết hợp BVĐHYHN triển khai, cũng là điểm nhấn ý nghĩa, tạo nên một cái kết đẹp và thành công hơn mong đợi cho chương trình.

Vietmedical triển khai hoạt động tặng sách cho khách mời tham dự hội thảo

Vietmedical xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ban lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì đã tin tưởng và tạo điều kiện cho công ty có cơ hội trở thành đơn vị đồng hành cùng Quý bệnh viện tại hội thảo lần này.

Thông qua chương trình, Vietmedical mong muốn cùng phát triển, đóng góp chung cho lĩnh vực Y tế nước nhà, mang lại giá trị tốt nhất cho sức khỏe của người dân.

                                                                                Nguyễn Thanh Huyền

 

 

RANH GIỚI
Thi bác sĩ nội trú là đánh cược với bản thân ( chỉ một lần duy nhất trong đời).
0243 984 3477