Công nghệ thông tin – “Đường truyền kết nối” thúc đẩy Y tế số tiến tới sự chính xác tuyệt đối và hiệu quả vượt bậc
Đây là nhận định từ chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Francis Tuấn Anh (Frank Nguyễn) khi được hỏi về tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong công cuộc chuyển đổi Y tế số tại Việt Nam cũng như trên Thế giới.
Ông Frank Nguyễn từng giữ chức vụ Giám đốc Phát triển và Truyền bá công nghệ tại Microsoft Vietnam và là chuyên gia cao cấp phụ trách đối tác phát triển phần mềm tại Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và phát triển phần mềm tại Mỹ và Việt Nam. Là một người có niềm đam mê với ngành y, năm 2016, ông thành lập Microsoft Health Innovation Lab (HIL) với mục đích kết nối các công ty trong lĩnh vực công nghệ sinh học, thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chẩn đoán nhằm liên kết công nghệ, đào tạo, hỗ trợ đầu tư để đáp ứng và nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Nhân dịp ông Frank Nguyễn chính thức hợp tác cùng VMED Group với chức danh Cố vấn công nghệ và giải pháp, chúng tôi đã thực hiện một buổi phỏng vấn nhanh cùng ông.
- VMED Group: Xin chào ông Frank Nguyễn, hiện nay có nhiều nhận định về y tế 4.0 như "Telemedicine sẽ xóa nhòa khoảng cách địa lý trong y tế", "Bệnh án điện tử CLAS Healthcare sẽ thay thế mọi hồ sơ giấy của bệnh nhân" hay “Trí tuệ nhân tạo là ống nghe của thế kỷ 21” ... ông có thể cho biết đánh giá của mình về tầm quan trọng của CNTT trong Y tế?
- Ông Frank Nguyễn: Hiện nay, hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam vẫn đang sử dụng hệ thống quản lý bằng giấy và phim. Điều này vừa gây lãng phí tài nguyên và cũng cản trở thao tác lưu trữ, khai thác thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Bước đầu tiên để cải tiến quy trình chính là “số hóa y tế” và chúng ta không thể làm được nếu không áp dụng CNTT. Tuy nhiên, để cân bằng được hai yếu tố “kinh tế” và “y tế”, tôi đã chọn cách làm “Đột phá nhưng không Phá hủy”. Điển hình như dự án bệnh án điện tử CLAS Healthcare được phát triển bởi VMED Group không yêu cầu các bệnh viện mua phần mềm mới, mà hoàn toàn trích xuất dữ liệu từ bệnh án điện tử cũ. Tôi hiểu rằng: “Y tế số chỉ thực sự hiệu quả nếu tối thiểu hóa thay đổi phần mềm và quy trình, đồng thời tối ưu lưu trữ và khai thác thông tin”. Chỉ khi những dữ liệu y tế được lưu trữ triệt để và chính xác bằng phần mềm, chúng ta mới có thể tiến tới những bước tiếp theo như: phân tích dữ liệu, kết nối và chia sẻ. Đây là xu hướng tất yếu của y tế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài vòng quay chuyển đổi này.
- VMED Group: Vậy ông có thể chia sẻ lý do ông lựa chọn hợp tác cùng VMED Group?
- Ông Frank Nguyễn: Bài toán y tế là một bài toán phức tạp, đòi hỏi kiến thức bài bản và chuyên sâu. Vì vậy, để giải được bài toán này cần những doanh nghiệp thấu hiểu và có kinh nghiệm y tế từ nhiều góc độ bao gồm: thiết bị y tế, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng…Làm CNTT trong Y tế tức là phải “Phối hợp giữa phần mềm và phần cứng một cách nhuần nhuyễn” bởi công nghệ đó được sáng tạo và phát triển dựa trên các yếu tố để bác sỹ cũng như bệnh nhân sử dụng một cách dễ dàng và hiệu quả. VMED Group là một doanh nghiệp có sự sâu sát với ngành y tế cùng tiềm lực để đầu tư lâu dài và toàn diện trong lĩnh vực y tế. Đây chính là ưu điểm khiến tôi thực sự bị thuyết phục khi quyết định gia nhập VMED Group.
- VMED Group: Ông có thể chia sẻ thêm về những dự định ông cùng VMED Group sẽ triển khai trong thời gian tới để mang lại những giải pháp và dịch vụ tối ưu hơn để đồng hành cùng Bộ Y tế?
- Ông Frank Nguyễn: Mong muốn lớn nhất của tôi cũng như VMED Group chính là: Đồng hành cùng Bộ y tế nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Đây là một quá trình thực hiện trong thời gian dài và chúng tôi đã đi bước đầu tiên là “số hóa y tế” với Bệnh án điện tử CLAS Healthcare. Bước tiếp theo đó là chúng tôi đang cung cấp giải pháp khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu cho bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh. Với những giải pháp cụ thể như Tele-EMS (cấp cứu ngoại viện), Tele-ECG (hỗ trợ đọc điện tim từ xa), Tele-ICU (kết nối thông tin bệnh nhân giữa trung tâm chỉ huy tại bệnh viện tuyến trên và các đơn nguyên) và rất nhiều giải pháp kết nối đang được nghiên cứu và phát triển, tôi và VMED Group đang góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc nâng cao hiệu quả cứu chữa người bệnh. Bước cuối cùng và là bước quan trọng nhất chính là chúng tôi đồng hành cùng Bộ Y tế xây dựng nền tảng chia sẻ và kết nối dữ liệu y tế quốc gia. Khi hoàn thiện được những chặng đường trên, tôi tin rằng, y tế Việt Nam không chi ghi dấu trên bản đồ Thế giới bởi tài năng, trí tuệ mà còn được công nhận ở công nghệ hiện đại và giá trị kết nối, sẻ chia./.
Hải Nguyễn