MỔ NỘI SOI - HÀNH TRÌNH VIỆT NAM VƯƠN LÊN HÀNG ĐẦU KHU VỰC
Dù "sinh sau đẻ muộn", từ ca mổ đầu tiên vừa bỡ ngỡ vừa thiếu trang thiết bị…, sau 27 năm, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi hàng đầu khu vực. Các bác sĩ đã tạo ra những kĩ thuật "made in Vietnam" được thế giới thán phục.
10 CHÚ CHÓ THỰC HIỆN CHO CA MỔ ĐẦU TIÊN
Phẫu thuật nội soi được thực hiện đầu tiên tại Pháp vào năm 1987 trên bệnh nhân cắt túi mật.
Đúng 5 năm sau (1992), phương pháp này được áp dụng tại Việt Nam với ca mổ cắt túi mật tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Mổ thực nghiệm cắt túi mật nội soi trên chó tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)
Người khởi xướng ca mổ nội nội soi đầu tiên là PGS.TS Nguyễn Tấn Cường.
Tu nghiệp ở Mỹ, bất ngờ với kỹ thuật mổ hiện đại, giảm rủi ro, ít đau lại giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, vị bác sĩ trẻ khao khát mang kĩ thuật này về Việt Nam càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, khi biết trị giá dàn máy nội soi đến 40.000 USD thì ông chững lại.
Phía đại diện công ty hỏi BS Cường: "Liệu anh có tự tin đứng mổ cùng dàn máy khi về Việt Nam không?".
BS Cường giọng chùng xuống: "Tự tin mổ thì tôi có, nhưng chắc không thể mua dàn máy đến 40.000 USD khi ngành y nước tôi giờ còn thiếu đến kim tiêm, chỉ khâu và thậm chí băng gạc y tế".
Đùng một cái, trước khi về nước sau một năm tu nghiệp, BS Nguyễn Tấn Cường được tặng dàn máy nội soi trị giá 40.000 USD.
Thông tin khiến ông mừng phát khóc và từ đây cũng đánh dấu cột mốc đầu tiên trong hành trình ngoạn mục của phẫu thuật nội soi Việt Nam.
Về Việt Nam, BS Nguyễn Tấn Cường ngay lập tức xin được thực hiện kĩ thuật này. Tuy nhiên do còn quá mới mẻ, để đảm bảo an toàn, GS Nguyễn Đình Hối, hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, yêu cầu mổ thí điểm trên 10 con chó để đánh giá rủi ro và hiệu quả mang lại.
6 tháng sau, phương pháp này được giới thiệu qua bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện cho một bệnh nhân nữ 63 tuổi, được chỉ định cắt túi mật.
Ekip mổ gồm 6 người, đứng đầu là BS Nguyễn Tấn Cường.
PGS.TS Nguyễn Tấn Cường năm 1991 với dàn máy nội soi được công ty Solos của Mỹ tặng trị giá 40.000 USD.
"CHINH PHỤC ĐỈNH NÚI CAO NHẤT"
rước lịch mổ một tuần, bệnh lý nội khoa khiến loại trừ phương pháp gây mê nữ bệnh nhân. Bệnh viện Chợ rẫy phải bàn với bác sĩ người Pháp để chọn phương pháp gây tê màng cứng. Nữ bệnh nhân dũng cảm chịu đựng cơn đau cơ hoành suốt 2 tiếng đồng hồ khi được bơm khí oxi tạo khoang mổ.
"Quá trình mổ, thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi bà có đau không?, nữ bệnh nhân còn động viên ngược lại tôi "tôi chịu được, các bác sĩ đừng lo"" - BS Cường kể.
Thầy tôi tại Mỹ - bác sĩ Maurice Arregui, bậc thầy về mổ nội soi, từng gặp một ca biến chứng. Khí CO2 không vào khoang bụng mà đi vào mạch máu, gây tắc mạch và xẹp phổi. Bệnh nhân suy hô hấp. Trang thiết bị y tế ở Mỹ hiện đại, nên họ hồi sức bệnh nhân rất nhanh.
Bác sĩ Maurice Arregui thán phục trình độ phẫu thuật nội soi của Việt Nam trong chuyến thăm năm 2017
"Việt Nam khi đó, phòng mổ thiếu cả màn hình theo dõi. Chúng tôi không có thông số nồng độ CO2, oxy trong máu, gây mê thì thủ công, bác sĩ phải bóp bằng tay thông phổi…
Trời thương sao mổ cả ngàn ca không biến chứng gì. Cái lớn nhất chúng tôi và bệnh nhân có lúc đó chắc chỉ là lòng dũng cảm và quyết tâm chữa trị thành công" - bác sĩ Nguyễn Tấn Cường kể.
Ca mổ nội soi đầu tiên của Việt Nam
"Ca mổ diễn ra vào ngày 23-9-1992. Ngoài êkip 6 người chúng tôi, đồng nghiệp theo dõi bên ngoài cũng hồi hộp không kém vì phương pháp mổ quá mới. Nó giống như cảm giác người leo núi vừa chinh phục xong đỉnh núi cao nhất. Tôi không bao giờ quên được cảm giác đó" - PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - một trong những bác sĩ trẻ nhất êkip, nay là giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM - Phó chủ tịch Hội phẫu thuật nội soi Việt Nam - nhớ lại ca mổ cách đây 27 năm.
BÙNG NỔ MỔ NỘI SOI
Từ năm 1993, mổ nội soi lần lượt được áp dụng tại các bệnh viện lớn của cả nước: Hà Nội là bệnh viện Việt Đức, TP.HCM có bệnh viện nhân dân Gia Định, Bình Dân, Từ Dũ.
Giai đoạn 1995 - 2000 là thời điểm "bùng nổ" mổ nội soi tại các bệnh viện lớn. Kinh tế đất nước phát triển khiến việc mua các dàn máy nội soi không còn là điều quá tầm tay của nhiều bệnh viện nữa.
Nhiều bác sĩ bắt đầu làm quen với thiết bị phẫu thuật nội soi từ năm 1993
Từ những bệnh lý đơn giản về tiêu hóa, phẫu thuật nội soi có mặt ở hầu hết các điều trị ngoại khoa phức tạp, trong đó nhiều nhất bệnh lý về tiết niệu: sỏi thận, u thận, ung thư tuyến tiền liệt, bàng quang, các bệnh lý nội tiết: tuyến giáp, tuyến thượng thận, tai mũi họng, khớp, mổ u não và kể cả mổ tim với 2 nơi chính thức áp dụng mổ tim nội soi là Viện E (Hà Nội) và BV ĐH Y dược (TP.HCM).
"Có ai ngờ được, mổ nội soi từ những bệnh lý đơn giản ban đầu giờ mổ nội soi áp dụng cho những ca cực kỳ phức tạp như mổ tụy, gan, tim, não và các bệnh lý ung thư với hiệu quả tối ưu mà thời gian phục hồi của bệnh nhân vô cùng nhanh chóng" - PGS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.
Đến năm 2018, khoảng 90% bệnh viện tuyến quận, huyện áp dụng kĩ thuật nội soi thuần thục trong các bệnh lý cấp cứu; thủng dạ dày, thủng ruột non, viêm ruột thừa. Ít ai ngờ, cách đây 15 năm, viêm ruột thừa phải mổ mở, thời gian nằm viện 1 tuần thì nay với nội soi, sáng mổ chiều bệnh nhân đã bình phục.
Những bệnh lý cực kì phức tạp như mổ tụy trước đây, phải đứng mổ ít phất 6 tiếng thì nay cả thầy thuốc và bệnh nhân khỏe hơn nhiều với kĩ thuật nội soi ngày càng tân tiến.
ĐÓNG GÓP CHO Y VĂN THẾ GIỚI
Đến giờ ngành y Việt Nam vẫn còn lưu truyền về những điều táo bạo mà GS Nguyễn Thanh Liêm đã làm với căn bệnh u nang ống mật chủ, hội chứng phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung) và thoát vị cơ hoành..
Trẻ sơ sinh khoang lồng ngực rất nhỏ, thao tác kĩ thuật cực kì khó nên hầu như thế giới chưa ai dám mổ nội soi thoát vị cơ hoành trẻ 2-3 ngày tuổi.
GS Liêm mày mò nghiên cứu phương pháp đặt các trocar (dụng cụ nội soi) cao hơn so với thông thường để tạo thêm khoang lồng ngực rộng hơn, từ đó thao tác dễ dàng.
Trẻ sơ sinh khi bơm không khí vào lồng ngực, bị ép vào tim và phổi dễ dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn. Khắc phục vấn đề này, GS Liêm bơm hơi xem kẽ chứ không liên tục.
"Khi tôi khâu được mũi thứ nhất, đẩy ruột xuống bụng, tôi tiến hành mũi khâu đầu tiên trên cơ hoành bị khuyết. Ruột sẽ không khả năng lên nữa và không bơm hơi nữa. Tim và phổi không chịu sức ép và thế là đứa trẻ chịu đựng được cuộc mổ" - GS Liêm kể.
Đến giờ ngành y Việt Nam vẫn còn lưu truyền về những điều táo bạo mà GS Nguyễn Thanh Liêm đã làm với căn bệnh u nang ống mật chủ, hội chứng phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung) và thoát vị cơ hoành..
Trẻ sơ sinh khoang lồng ngực rất nhỏ, thao tác kĩ thuật cực kì khó nên hầu như thế giới chưa ai dám mổ nội soi thoát vị cơ hoành trẻ 2-3 ngày tuổi.
GS Liêm mày mò nghiên cứu phương pháp đặt các trocar (dụng cụ nội soi) cao hơn so với thông thường để tạo thêm khoang lồng ngực rộng hơn, từ đó thao tác dễ dàng.
Trẻ sơ sinh khi bơm không khí vào lồng ngực, bị ép vào tim và phổi dễ dẫn tới suy hô hấp, suy tuần hoàn. Khắc phục vấn đề này, GS Liêm bơm hơi xem kẽ chứ không liên tục.
"Khi tôi khâu được mũi thứ nhất, đẩy ruột xuống bụng, tôi tiến hành mũi khâu đầu tiên trên cơ hoành bị khuyết. Ruột sẽ không khả năng lên nữa và không bơm hơi nữa. Tim và phổi không chịu sức ép và thế là đứa trẻ chịu đựng được cuộc mổ" - GS Liêm kể.
SÁNG TẠO GIÚP GIẢM CHI PHÍ CA
Tương tự như GS Liêm mày mò mổ nội soi trẻ sơ sinh, PGS.TS Trần Ngọc Lương - giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - là người đầu tiên trên thế giới phẫu thuật nội soi tuyến giáp với đường mổ từ ngực và nách.
"Năm 2004, Hàn Quốc, Nhật Bản dùng robot mổ nội soi tuyến giáp tới hàng chục nghìn USD. Tôi nói với bạn bè quốc tế, ở nước tôi, bệnh nhân đông và còn nghèo, nên tôi phải mổ nội soi tuyến giáp theo kiểu Việt Nam, ứng dụng theo điều kiện của mình", TS Lương cho biết.
TS Lương đã sáng tạo đường mổ riêng, tận dụng dụng cụ nội soi ổ bụng thông thường mà không cần đến dụng cụ riêng biệt, khung treo tốn tiền, giảm chi phí đáng kể mà vẫn mang lại hiệu quả điều trị, thẩm mỹ với đường rạch vài cm vùng nách.
Kĩ thuật này sau đó được chuyển giao cho nhiều bác sĩ Thổ Nhĩ Kì, Úc, Bồ Đào Nha, Singgapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan.
Năm 2018, kĩ thuật từng chinh phục cả thế giới này tiếp tục được bác sĩ Phan Hoàng Hiệp - trưởng Khoa Điều trị kĩ thuật cao - Bệnh viện Nội tiết TW - nâng lên tầm cao mới với phương pháp mổ nội soi tuyến giáp 1 lỗ lần đầu tiên trên thế giới với 1 vết sẹo chỉ 2-3cm, được giấu đi ở nách.
"Dụng cụ nội soi (Trocar) thường được thiết kế to vì phần lớn dành cho nội soi ổ bụng trong khi tuyến giáp nhỏ xíu. Chúng tôi mày mò vạt bớt trocar cho nhỏ lại, tạo thêm độ loe để khi đưa vào khoang mổ, các dụng cụ bớt đụng nhau.
Ca đầu tiên thực hiện ngày 1-8-2018 chỉ với chi phí 15 triệu đồng/ca rẻ hơn rất nhiều so với thế giới. Đến nay đã 40 ca mà không có biến chứng gì" - ThS.BS Phan Hoàng Hiệp cho biết.
Phương pháp này được bình chọn là 1 trong 10 thành tựu khoa học và được vinh danh và là sự kiện khoa học và công nghệ ở lĩnh vực y tế tiêu biểu 2018.
MỔ 'ĐẸP' NHẤT THẾ GIỚI
Việt Nam là nước có tỉ lệ bệnh ung thư gan cao trên thế giới. Kĩ thuật mổ ung thư gan điêu luyện từ nhóm bác sĩ nội soi Bệnh viện Đại Học Y dược đã được thế giới vinh danh vào năm 2017 với giải nhất Video phẫu thuật nội soi cắt gan tại Hội nghị của Hội Phẫu thuật Nội soi cắt gan thế giới.
Khối u ung thư gan khi gan đã xơ, cấu trúc nhu mô gan thay đổi đáng kể đã không làm khó các bác sĩ Việt Nam khi họ hoàn toàn kiểm soát tốt mạch máu, cắt gan đủ rộng lấy tế bào ung thư triệt để mà vẫn đảm bảo an toàn chất lượng sống cho người bệnh với phần gan còn lại.
Thay vì chịu đường mổ dài dưới xương sườn, bây giờ, người bệnh chỉ chịu vết mổ nhỏ từ 4 mm - 1 cm, thời gian nằm viện chỉ từ 4 - 6 ngày.
Thành quả của phẫu thuật nội soi cắt gan của BV Đại học y dược được đăng tải trên nhiều tạp chí quốc tế, báo cáo tại các hội nghị trong và ngoài nước cùng với nhiều giải thưởng khoa học nổi tiếng.
CẮP CẶP ĐẾN VIỆT NAM HỌC MỔ NỘI SOI
Sau hàng loạt ca mổ nội soi "made in Việt Nam" gây tiếng vang, số bác sĩ nước ngoài đến Việt Nam học phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Việt Đức, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM không ngừng gia tăng.
Năm 2003, Trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi (PTNS) đầu tiên của cả nước ra đời tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Hệ thống nội soi mô phỏng nhập từ Israel trị giá 200.000 USD được trung tâm mạnh dạn trang bị, giúp các học viên trong và ngoài nước thoải mác thao tác.
Hệ thống mô phỏng thoạt nhìn như chiếc máy… chơi game. Cần gạt là dụng cụ mổ, màn hình chiếu hình ảnh 3D ổ bụng. Bác sĩ được tập điều khiển máy quay trong nội soi, kẹp mạch máu…. Độ phức tạp được nâng dần đến bài tập sau cùng là mổ hoàn chỉnh một bộ phận.
Máy mô phỏng phẫu thuật nội soi để học viên thực hành
Điều thú vị là nếu học viên mổ sai vị trí, cũng sẽ gặp cảm giác vướng, bị đẩy như ở người thật. Các kỹ thuật vi phẫu sẽ được thực hành với chuột, bọ, cuống rốn; còn kỹ thuật nội soi khớp thực hành trên mô hình.
Sau đó, học viên sẽ được mổ trên "xác tươi". Trung tâm Huấn luyện PTNS Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cùng với Thái Lan là 2 nơi duy nhất của khu vực Châu Á có trung tâm mổ "xác tươi" để các bác sĩ thực hành.
Nhiều phương pháp sáng tạo trong mổ nội soi ra đời và hoàn thiện tại đây, được đánh giá cao, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Tôi nhớ giai đoạn 1993 - 1995, Việt Nam phải mời chuyên gia từ Singapore huấn luyện kĩ năng mổ nội soi cho bác sĩ Việt Nam thì chỉ 12 năm sau, năm 2007, xu hướng này ngược lại. Nhiều trường, bệnh viện lớn trong khu vực: Thái Lan, Indonesia, Singapore, Đài Loan gửi đến hàng trăm phẫu thuật viên học tập tại trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi Việt Nam và kinh ngạc khi thấy kĩ năng mổ của bác sĩ mình quá tốt"- PGS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.
Hiện trung tâm đã giảng dạy cho hơn 1.600 phẫu thuật viên trong nước và hơn 700 phẫu thuật viên nước ngoài.
Trung tâm Phẫu thuật nội soi BV ĐH Y duoc đạt giấy chứng nhận xuất sắc centre of Exccelent
Tháng 11-2018, Trung tâm Huấn luyện Phẫu thuật nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam được Hội phẫu thuật nội soi và nội soi châu Á công nhận là "Center of Excellence" (trung tâm xuất sắc).
Đội phẫu thuật viên của Việt Nam đã vượt qua 14 đối thủ đến từ các quốc gia để đoạt Cúp Vô địch trong cuộc thi ELSA Olympic Games về kỹ năng thực hành phẫu thuật nội soi trên mô hình.
Giải thưởng Nikkei năm 2018 dành cho nhà khoa học châu Á có nhiều đóng góp to lớn phát triển phẫu thuật nội soi trẻ em ở châu Á và thế giới.
"Sinh sau đẻ muộn" so với thế giới 5 năm. Từ ca mổ 1992 tại bệnh viện Chợ Rẫy còn thiếu thốn trang thiết bị y tế, đến nay, phẫu thuật nội soi Việt Nam đã vươn tầm khu vực và thế giới với những sáng tạo mà chủ nhân hiện là các bác sĩ đầu ngành nội soi Việt Nam khiêm tốn thừa nhận "do cái khó nó ló cái khôn".
Họ đã dấn thân, vượt qua áp lực tâm lý, nỗi sợ tai biến chuyên môn để tạo nên diện mạo mới cho ngành y việt Nam, đưa lĩnh vực phẫu thuật nội soi của y tế nước nhà ngang hàng với các quốc gia vốn có nền y tế tân tiến trên thế giới.
Trích dẫn: Tuoitre.vn |