Giỏ hàng

ĐIỆN TIM TỪ XA: RÚT NGẮN TỐI ĐA THỜI GIAN TIẾP CẬN ĐIỀU TRỊ NHỒI MÁU CƠ TIM

Suckhoedoisong.vn - Phát hiện ngay các nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm, hệ thống điện tim từ xa Tele-ECG giúp người dân rút ngắn tối đa thời gian tiếp cận điều trị, nâng cao khả năng bình phục và giảm biến chứng do được cấp cứu kịp thời...

Đẩy mạnh đưa công nghệ thông tin về y tế cơ sở

Ngày 1/4, tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, 6 xã đầu đầu tiên của huyện Nam Đàn đã được Công ty cổ phần Infomed Việt Nam chuyển giao hệ thống điện tim từ xa Tele-ECG, giúp người dân giải quyết các vấn đề về chẩn đoán và tiên lượng sớm nguy cơ các bệnh lý tim mạch gặp phải, đặc biệt là bệnh nhồi máu cơ tim.

Đây là một trong những hoạt động triển khai việc đẩy mạnh đưa công nghệ thông tin về ứng dụng vào công tác tư vấn, chẩn đoán, khám bệnh của y tế cơ sở, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo quyết định 2348/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

PGS.TS Trần Quý Tường- Cục trường Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ chuyển giao, ông Trần Quý Tường- Cục Trưởng Cục công nghệ thông tin – Bộ Y Tế cho biết, vấn đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế luôn được lãnh đạo Bộ Y tế quan tâm, đôn đốc triển khai thực hiện. Thời gian gần đây, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc xây dựng đề án phát triển ngành y tế thông minh với 2 lộ trình về y tế số và y tế thông minh. Trong đó, Bộ Y tế tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: xây dựng nền y tế có phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Trong xu hướng chung này, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mới đây Cục Công nghệ thông tin đã ký kết biên bản hợp tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong y tế giữa Cục Công nghệ thông tin và Công ty Cổ phẩn INFOMED Việt Nam.

Theo đó, 2 bên sẽ triển khai thí điểm các giải pháp y tế từ xa (Tele-ECG, Tele-ICU), xây dựng và triển khai các giải pháp y tế thông minh, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu phát triển về y tế số,…nhằm góp phần đẩy mạnh hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin cho ngành y tế. Cụ thể hơn, trước mắt 2 bên sẽ tập trung triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ Tele-ECG tại một số trạm y tế để các trạm này thành mô hình điểm, tiến tới sẽ là hợp tác về nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin trong y tế…

Nhồi máu cơ tim: Bệnh nguy hiểm cần phát hiện sớm, can thiệp giờ vàng .

Chia sẻ thông tin về hệ thống điện tim từ xa Tele- ECG, ông Ngô Thanh Sơn- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Infomed Việt Nam cho biết, công nghệ Tele-ECG là một hệ thống tích hợp từ những thiết bị hiện đại, bao gồm: Máy điện tim, bộ kết nối và gửi dữ liệu qua mạng 3G/4G và hệ thống phần mềm.

Hệ thống này giúp người bệnh khi đo điện tim ở trạm y tế xã nhưng có thể được các chuyên gia tim mạch ở TW đọc và trả kết quả chỉ trong vòng 6 phút, phát hiện ngay các nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm, để người bệnh kịp thời đến đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến bệnh lý tim mạch, đặc biệt là bệnh nhồi máu cơ tim, các chuyên gia Viện Tim mạch quốc gia cho biết, tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch hiện nay rất lớn. Chưa kể, đáng báo động còn là tình trạng trẻ hóa độ tuổi đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp được ghi nhận tại các bệnh viện. Thậm chí có những người mới ngoài 20 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim cấp do các thói quen sinh hoạt xem thường sức khỏe, hút thuốc lá và béo phì. Những bệnh nhân thế này phải được phát hiện bệnh kịp thời, cấp cứu kịp thời tại các bệnh viện, được nong và đặt stent mạch vành để cứu sống bệnh nhân…

Ông Ngô Thanh Sơn- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Infomed Việt Nam chuyển giao công nghệ theo dõi điện tâm đồ từ xa Tele- ECG cho 6 xã, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Các chuyên gia tim mạch cũng nhấn manh đến việc tận dụng thời gian vàng trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp là hết sức quan trọng, vì nếu được can thiệp điều trị trong vòng 3 giờ từ khi bệnh nhân khởi phát đau ngực, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống sót cao nhất và tỉ lệ bị biến chứng thấp nhất. Trong khi tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đến viện muộn, không tận dụng được thời gian vàng khiến việc điều trị kém hiệu quả.

Do đó, theo Cục trưởng Trần Quý Tường, việc đưa hệ thống điện tim từ xa Tele-ECG đi vào hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu giúp phát hiện sớm nguy cơ nhồi máu cơ tim, giúp bệnh nhân rút ngắn tối đa thời gian tiếp cận điều trị, nâng cao khả năng bình phục và giảm biến chứng do không cấp cứu kịp thời.

“Đây là một công nghệ rất có ý nghĩa giúp người dân tại tuyến xã được tiếp cận đến các giáo sư đầu ngành, bác sĩ tuyến trung ương tay nghề giỏi ở ngay tại trạm y tế xã thông qua đường truyền internet. Người bệnh hoàn toàn có thể rút ngắn tối đa thời gian tiếp cận điều trị khi phát hiện nguy cơ nhồi máu cơ tim”- Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh.

Được biết, ngoài 6 xã của Nghệ An, hệ thống điện tim từ xa Tele-ECG sẽ còn có mặt tại các trạm y tế xã điểm, tiến tới phủ rộng tới toàn bộ các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… góp phần tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Trích dẫn: Báo Sức khỏe và đời sống.

RANH GIỚI
Thi bác sĩ nội trú là đánh cược với bản thân ( chỉ một lần duy nhất trong đời).
0243 984 3477